Tài Liệu Hải Quân
                           Trận Hải Chiến Midway
Lê Chánh Thiêm

I. Dẫn nhập.

Thế chiến thứ hai xảy ra chỉ trong vòng 6 năm nhưng đã để lại cho nhân loại nhiều thiệt hại đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Nếu chỉ kể về quân-sự, so với thế chiến thứ nhất, các trận chiến xảy ra giữa hai bên ác liệt, quy-mô hơn nhiều. Những trận đánh nẩy lửa đã được ghi vào quân sử; các chiến-lược, chiến-thuật rất khác so với trước và buộc các chiến-lược-gia phải thay đổi chiến-thuật, chiến-lược, đường lối “điều binh khiển tướng”... cho các cuộc chiến sau nầy cũng như sáng-chế quân-cụ sao cho phù-hợp với chiến trường.

Riêng về hải chiến, từ vùng biển Bắc Âu đến Thái Bình Dương (TBD), đã có nhiều trận nổi tiếng xảy ra, có trận mang tính “quyết định chiến trường”. Sau khi đã làm chủ một số chiến-trường châu Âu, Bắc Phi và một số nơi khác, các chiến lược gia quân sự và chính phủ của khối Trục quan-niệm rằng muốn thắng trận, khối Trục phải đánh bại Mỹ. Phần Nhật chịu trách nhiệm chiến-trường châu Á, ngoài lục-địa rộng lớn còn có đại dương mênh-mông đang có Hải-quân Mỹ hiện-diện. Nếu muốn chiến-thắng, Nhật phải đánh bại Hải-quân Mỹ mà Hạm-đội TBD là lực-lượng chính-yếu của Hải-quân Hoa-Kỳ tại khu-vực nầy. Do vậy, các chiến-lược gia quân-sự Nhật một mặt ráo-riết nghiên-cứu chiến lược, mặt khác theo-dõi mọi hoạt động của Hải-quân Mỹ. Và trong ý đồ “tiên hạ thủ vi cường”, họ quyết-định phải ra tay trước: trừ khử sự hiện-diện của quân-đội Mỹ tại châu Á.

Sau khi bất ngờ tấn công vào Trân Châu Cảng (TCC) cũng như chiếm được nhiều vùng đất thuộc địa ở châu Á từ tay Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha..., giới lãnh-đạo quân-sự Nhật quyết định tiêu-diệt Hải quân Mỹ tại Midway để hoàn-tất ý-đồ thôn-tính toàn cõi Á châu. Trận hải chiến Midway thường được nhắc đến do tầm mức quan-trọng, trận chiến mang tính quyết định chiến-trường, theo đúng kế-hoạch chiến-tranh của hai bên và nhất là đã chôn vùi không biết bao nhiêu sinh mạng do tham-vọng điên-cuồng của đế-quốc Nhật mà thiệt hại nằm về phía họ. Trận Midway đã làm nhụt nhuệ khí của quân Nhật nói riêng, của phe Trục nói chung để rồi sau đó chiến tranh kết thúc, cứu vớt nhân loại thoát khỏi vòng binh đao.

II. Vị-trí của Midway và tầm quan trọng của trận chiến.

Sau trận tập-kích vào TCC vào ngày 7-11-1941 gây cho Mỹ nhiều thiệt hại cũng như một số chiến thắng dễ dàng trên vài chiến trường khác tại châu Á, người Nhật tự hào với huyền thoại là “đạo quân bất khả chiến bại”. Trong thế chiến hai, theo nhiều chuyên gia nhận định, cuộc oanh kích vào TCC của Nhật đã “buộc Mỹ phải nhảy vào vòng chiến” và trận hải chiến Midway được cho là trận chiến then chốt mang tính “quyết định chiến trường”. Cả hai trận chiến đều do Nhật chủ động, ra tay trước nhưng đều mang lại hậu quả không thuận lợi cho Nhật. Trận đầu, Nhật đã “đánh thức gã khổng lồ đang ngủ” (awaken a sleeping giant), trận sau, chuốc lấy thảm bại tại chỗ. Midway cách TCC hơn 1.000 hải-lý, nằm giữa hải trình nối châu Mỹ và châu Á, với diện-tích chỉ có 4.7 km2 nhưng là một vị-trí chiến-lược vô cùng quan-trọng, là lá chắn bảo vệ TCC, là một căn-cứ Hải-quân quan-trọng của Hoa-Kỳ, là tiền đồn quan-sát và bảo-vệ hải-trình nối liền hai đại-lục.

Người ta thường nhớ đến trận tấn công vào TCC hơn là trận hải chiến Midway vì nhiều lý do. Thứ nhất, trận tấn công bất ngờ của Nhật, một đất nước nhỏ, nghèo đánh vào quân đội Mỹ, một nước lớn, giàu mạnh. Thứ nhì, trận TCC là trận có tổn thất rất lớn về nhân mạng và vật chất, những hình ảnh về các tổn thất đập vào mắt mọi người, đã ghi vào tâm khảm họ với những hình ảnh khó phai. Thứ đến là các mưu tính liều lĩnh của giới chỉ huy quân phiệt Nhật cộng với tinh thần chiến đấu cũng như sự tuân theo thượng lệnh của quân đội Nhật cao, đã tạo nên yếu tố bất ngờ, nhất thời đem lại chiến thắng, vì thế được các nước hiếu chiến cho đó là bài học đặc biệt, là tấm gương cho họ bắt chước. Trận tấn công bất ngờ của quân Nhật kéo dài 2 giờ để lại 21 chiến hạm bị hư hại nặng nề, 323 phi cơ hư hại hay phá hủy, 2390 quân nhân tử thương và 1178 bị thương. Tuy nhiên, trận TCC chỉ là một trận chiến được một số nhà quân sự cho là một cuộc tự sát tập thể của một đội quân mù quáng hy sinh cho một tham vọng điên cuồng của cấp chỉ huy, một trận đánh lén hơn là theo bài bản, có kế hoạch, công khai, theo thế thương, bởi lúc đó, Mỹ đang đứng ngoài vòng chiến, vị Đại sứ Nhật trao tối hậu thơ (ultimatum) khai chiến không lâu sau khi phi cơ của họ xuất kích để tấn công Hải Quân Mỹ. Người Nhật đánh giá sai về quân đội Mỹ: tuy thất bại ở TCC nhưng thực lực của quân đội Mỹ rất đáng kể. Trận hải chiến Midway cho quân Nhật thấy rằng quân đội Mỹ không dễ bị đánh bại như họ tưởng và giấc mộng bá chủ châu Á của họ khó thành sự thật.

III. Sơ-lược về hai vị chỉ-huy.

Trận hải chiến Midway được chỉ huy bởi hai danh tướng của hai nước. Phía Nhật là Đô Đốc Isoroku Yamamoto, Tư-lệnh Hạm đội Liên hợp Nhật, một trong ba tên trùm đầu-sỏ của Phát-xít Nhật. Hải quân Hoa-Kỳ được chỉ huy bởi Đô-Đốc Chester William Nimitz, một danh tướng Hải quân Mỹ, người thường được gọi là “kỵ-sĩ trên biển-cả”.

1. Đô-Đốc Isoroku Yamamoto.

Tên khi chào đời của Đô-Đốc Isoroku Yamamoto là Isoroku Sadayoshi, sinh năm 1884 tại làng Kushigun Sonshomura trên đảo Hokaido, Nhật-bản. Ông là con của Takano Sadayoshi, hội viên của Hội Samurai Nhật. Lớn lên, Isoroku Yamamoto ghi danh vào Học viện Hải-quân Nhật tại Etajima, Hiroshima vào năm 1901, tốt nghiệp vào năm 1904 với cấp-bậc Thiếu-úy dự-bị Hải-quân. Năm sau, ông tham-dự trong cuộc hải chiến Nga-Nhật. Trong trận nầy ông bị mất 2 ngón tay trên bàn tay trái. Từ năm 1919 đến năm 1921, ông theo học tại Harvard University, Hoa-Kỳ. Từ 1926 đến 1928, ông là Tùy viên Hải Quân tại tòa Đại sứ Nhật ở Washington DC. Trong những thời gian ở Hoa-Kỳ, ông bỏ nhiều thì giờ chu du khắp nước Mỹ với mục-đích tìm hiểu Hoa Kỳ nhiều hơn để cần dùng mai sau.

Năm 1937, ông điều động phi-cơ Nhật ném bom tàn-phá Nam-Kinh, Thượng-Hải (Trung-Hoa). Năm 1939, Yamamoto trở thành Tư-Lệnh Tập Hợp Hải-quân Hoàng-Gia Nhật (*). Trong nhiệm vụ nầy, ông chủ trương và nghiên cứu chiến-lược để năm 1941, quân Nhật tập kích thành-công vào căn cứ Hải quân Mỹ ở TCC.

Với tham vọng làm bá chủ châu Á trong chính sách “Đại Đông Á”, Yamamoto cùng với các giới-chức quân-sự cùng chính-phủ Nhật đã hoạch định kế-hoạch tấn chiếm các mục-tiêu quân-sự, đánh đuổi sự hiện-diện của Âu, Mỹ tại Á Châu. Trong ý đồ nầy, Yamamoto chủ xướng và chỉ huy trận Midway năm 1942 nhưng đã chuốc lấy thảm bại ê chề để rồi năm sau, ông bị đối phương sát hại. Vào ngày 18-4, trong một cuộc thị-sát Guadalcanal, phía Bắc quần đảo Salomon, Đô-Đốc Yamamoto bị phi-cơ Mỹ phục-kích bắn hạ, ông bị tử thương, kéo theo sự thảm bại để rồi đầu hàng vô điều kiện sau đó.

Về chức vụ, Yamamoto từng là Tư-lệnh hạm đội I, Tổng chỉ-huy quân-đội Nhật tại Đông-Dương (1940), giữ chức vụ cao nhất trong Hải quân Hoàng-Gia Nhật. Ông còn đóng góp trong việc thiết-kế các kiểu mẫu để chế-tạo HKMH cho Hải quân Nhật. Ông được Nhật-Hoàng Hirohito tặng huân-chương “Húc nhật trùng quan” (ánh sáng mặt trời mọc), một huy-chương cao quý của Hoàng-gia Nhật.

2. Đô-Đốc Chester William Nimitz.
(Xem thêm trong bài: ĐÔ ĐỐC CHESTER W. NIMITZ, “KỴ SĨ TRÊN BIỂN CẢ”)

Đô-Đốc Chester W. Nimitz sinh ngày 24-2-1885 tại Fredericksburg, Texas; được chính phủ Mỹ cử làm “Tư-Lệnh Hạm Đội TBD” sau vụ Nhật tập kích vào TCC. Ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 31-12-1941. Nimitz tốt nghiệp hạng thứ 7 trong 114 khóa sinh tại Học viện Hải-quân ở Annapolis vào năm 1905. Sơ lược về thăng cấp: Thiếu-úy ngày 7-01-1907, Trung úy: 31-01-1910, Thiếu Tá: 29-8-1916,  Trung Tá: 8-3-1918, Đại-tá ngày 2-6-1927, 2 sao ngày 23-6-1938, không mang cấp 3 sao do được thăng cấp đặc cách lên 4 sao ngày 31-12-1941, mang 5 sao (Thủy-sư Đô-Đốc, Fleet Admiral) vào ngày 19-12-1944 (1). Ông mãn phần ngày 20-2-1966 tại San Francisco, được an táng tại Golden-Gate National Cemetry gần thành phố San Francisco, California.

Trong quân ngũ, ông được thượng cấp từ quân-đội đến chính quyền tin tưởng, đến độ sau vụ TCC, Tổng-Thống Franklin Roosevelt gởi đến Bộ trưởng Bộ Hải Quân Mỹ là Frank Knox chỉ thị như sau:

-“Ra lệnh cho Nimitz đến TCC và ở đó cho đến khi chiến thắng” (Tell Nimitz to get the hell to Pearl Harbor and stay there until the war is won).

Trước khi lên đường đáo nhậm, Đô-Đốc Nimitz còn nhận mệnh lệnh nặng nề từ Bộ trưởng Hải-quân Frank Knox:

-“Bảo-vệ an-toàn cho nước Mỹ, bảo-vệ hải trình từ Mỹ đi Hawaii, đến Midway, đến Australia, ngăn chận quân Nhật mở rộng hoạt động ở TBD và khôi phục ý-chí đã bị lung lay của Hạm đội TBD”.

IV. Các cuộc chiến khởi đầu trước trận Midway.

Là một sĩ-quan ưu-tú, nhiều năng-lực khác thường cùng với tính táo bạo, Nimitz đã có những thành-tích đáng kể trong suốt đời quân-ngũ. Những ý niệm về chỉ-huy, chiến thuật, chiến-lược trong ông sớm manh-nha khi cuộc chiến bùng nổ. Ông đã có những dự định về điều-binh, khiển tướng... trong ước mơ nếu được thượng cấp tin tưởng và giao cho ông chức vụ quan-trọng. Chiến trường TBD là nơi để ông thực-thi hoài-bão của mình, được một số nhà quân-sự cho là “con kình-ngư được dịp vùng-vẫy trong biển xanh”. Trước trận Midway, Nimitz đã tung ra những đòn bất ngờ xuống quân đội Nhật và thu được thắng lợi.

1. Tấn-công quân Nhật trên quần đảo Marshall.

Trận chiến “ra mắt” và cũng là trận chiến mở màn cho chiến-dịch Midway trong chức vụ mới là cuộc tấn công vào các căn cứ Nhật trên quần đảo Marshall. Nghiên-cứu tình-hình cùng những tin-tức tình-báo nhận được, Đô Đốc Nimitz đi đến một quyết-định táo-bạo. Sớm ngày 1-2-1942, ông ra lệnh cho 37 phóng-pháo-cơ, 6 máy bay chiến-đấu xuất-phát từ Hàng-không Mẫu-hạm (HKMH) Yorktown cùng với 9 phi-cơ  phóng ngư-lôi trực chỉ mục-tiêu là quần-đảo Marshall và Gilbert do quân Nhật chiếm đóng trước đó.

Đây là cuộc chiến xem như có một bên: chỉ có quân Mỹ tấn công, quân Nhật chỉ đỡ đòn do hoàn-toàn không đề phòng vì tưởng rằng Hải quân Mỹ đã “hoàn toàn kiệt quệ sau trận TCC”. Chiến thắng nầy của Hải quân Mỹ, ngoài việc được phát đi trên hệ thống truyền thanh trên nước Mỹ còn được phát ra toàn thế giới, đã làm nức lòng dân chúng Mỹ, vực lại tinh thần cho quân đội Mỹ sau “nỗi nhục TCC”, đem lại niềm tin tưởng vào quân đội Mỹ cho các nước đồng minh.

2. Tập kích căn cứ Nhật.

Vào cuối tháng Hai năm 1942, thêm một hành-động táo bạo khác, Đô Đốc Nimitz lại cho Không quân của Hải quân Mỹ tập-kích các căn-cứ Nhật trên đảo Oake và Manlan. Quân Nhật đồn trú tại đó đang ngủ say vì không ngờ rằng quân Mỹ dám đánh vào các đảo gần đất Nhật như vậy nên đã lơ-là việc phòng-thủ. Các căn-cứ trên đảo nầy trở thành biển lửa, quân trú phòng làm mồi cho bom đạn Mỹ. Phi-cơ Mỹ vùng-vẫy trên bầu trời, hoàn thành nhiệm-vụ mà không gặp sức kháng-cự nào, không bị thiệt hại nào đáng kể.

3. Oanh tạc Tokyo.

Trận chiến thứ ba cũng là một hành-động táo-bạo khác khi Nimitz “dám” cho phi-cơ oanh kích Tokyo, trung-tâm đầu não Nhật, nơi chỉ-huy cuộc chiến. Đây là lần đầu tiên phi-cơ Mỹ tấn-công vào lãnh-thổ Nhật. Sáng ngày 18-4-1942, Trung-Tá James H. Doolittle dẫn đầu phi-đội North-American B-25B Mitchells gồm 16 chiếc phóng-pháo-cơ B-25, một loại phóng-pháo-cơ hạng trung, cất cánh từ HKMH USS Hornet (2) (cùng với USS Entreprise CVN 65) đang ở cách Tokyo đến 668 hải-lý đang trên đường hướng về đất Nhật, bay đến mục-tiêu. USS Hornet cùng với USS Entreprise CVN 65 khi đó đang cùng hoạt động chung một khu vực.

Để đánh lừa, phân-tán sự chú-ý (nếu có) của Nhật, Nimitz ra lệnh ba chiếc trong số phi-cơ đó bay đến 3 thành-phố khác trên đất Nhật là Osaka, Yokohama và Kyoto. 13 chiếc còn lại do Trung-Tá James Doolittle chỉ-huy, trực chỉ Tokyo. Trong sự bất ngờ, các phi-cơ Mỹ đã trút hàng trăm tấn bom đạn xuống “trái tim” của Nhật rồi ung-dung trở về, tạo nên cú sốc lớn cho quân, dân Nhật và sự ngạc-nhiên cho cả thế-giới, gieo nỗi kinh hoàng đầu tiên cho dân chúng Nhật. Đây là “đòn bất ngờ” chưa từng có cho Nhật, cũng là niềm kiêu-hãnh cho quân-đội Mỹ, là tấm gương can-đảm, táo-bạo cho quân-lực các nước dù bạn hay thù.

4. Tấn công đảo Turachi.

Vào ngày 2-5-1942, Thủy-quân Lục-chiến Nhật đổ bộ lên đảo Turachi mà không gặp kháng cự nào. Hai hôm sau, trong khi quân Nhật đang ăn mừng thắng lợi thì phi-cơ Mỹ xuất phát từ HKMH Yorktown bay đến oanh-kích dữ dội. Quân Nhật bị thiệt-hại nặng-nề: ngoài số đông quân trú phòng thương vong còn có 2 tàu vận tải, 2 tuần-dương-hạm, 1 khu-trục-hạm bị đánh chìm và một số khác bị hư hại nặng.

Sau các cuộc tấn-công chớp nhoáng nói trên vào quân Nhật của Hải-quân Mỹ, các tướng lãnh và các chiến-lược-gia hai bên đã dốc tâm nghiên-cứu chiến-thuật, chiến-lược mới cho phù-hợp với tình thế. Về phía Nhật, Yamamoto và các tướng Nhật ban lệnh cho thuộc cấp theo-dõi, truy-lùng, bám sát các tàu chiến Mỹ. Phía Mỹ cũng thế, Đô Đốc Nimitz cho rằng Nhật chưa bị thiệt hại HKMH nào, phải tìm cách diệt bớt tàu chiến Nhật, các mối nguy cho hạm đội Mỹ. Nimitz chỉ thị 2 HKMH Yorktown và Lexington lặng lẽ theo-dõi hạm-đội Nhật.

Trong khi HKMH Tường-Phong, một trong các HKMH chủ-lực của Nhật đang tuần-tiễu trên biển thì bất ngờ bị phi-cơ Mỹ tấn-công dữ-dội, hạm trưởng ra lệnh cho phi-cơ lên nghênh chiến vì họ không phát giác được. Khi đó, 2 HKMH của Mỹ là USS Yorktown và USS Lexington lại xuất hiện và các phi-cơ trên đó bay lên “làm thịt” chiếc Tường-Phong. Sau 20 phút chiến-đấu, HKMH Tường-Phong đã đi vào lòng đại-dương, mang theo tất cả các thủy-thủ Nhật còn đang say men chiến-thắng. Đây là lần đầu, quân Mỹ đánh chìm HKMH đối phương.

Đến đêm đó, khi biết Hải quân Nhật rút lui, Đô-Đốc Nimitz ra lệnh truy-kích. Hai hôm sau, hạm-đội Mỹ và Nhật gặp nhau trên quần-đảo san-hô. Hai hạm đội cách xa nhau mấy trăm hải-lý, cùng biết vị-trí đối phương, các vị chỉ huy tung toàn-bộ lực lượng không quân trên đó chọi nhau trên bầu trời. Đây là trận không chiến ác liệt nhất của hai bên kể từ khi Mỹ tham chiến vì hai bên cùng thấy nhau. Phía Nhật, chiến đấu với tinh thần liều lĩnh, cảm tử; phía Mỹ, với vũ khí tối tân và chiến thuật khá, khả năng tác chiến của phi công cao. Tàn cuộc chiến, thiệt hại được ghi nhận khá lớn cho cả hai bên

Trận đánh trên đảo San-hô làm Nhật nản chí, từ bỏ các ý định điên cuồng đã có. Đây cũng là thắng lợi có tính chiến-lược cho Mỹ và đồng-minh, làm các quốc gia thuộc phe Đồng-minh tin-tưởng hơn vào chiến thắng chống khối Trục, nhất là đập tan huyền thoại của dân Phù-tang cho rằng quân Nhật là đội quân “bất khả chiến bại”.

Tuy thành công trong các cuộc tấn-công nói trên nhưng Đô-Đốc Nimitz vẫn biết rằng đó chỉ là những thắng lợi nhỏ mang tính khích-lệ lòng quân-sĩ hơn là làm nghiêng cán cân hai bên. Thật vậy, lực-lượng Nhật chưa bị thiệt-hại bao nhiêu, vùng Đông Nam Á,  Ấn Độ đã lọt vào tay quân Nhật, họ vẫn liên tục mở các trận đánh ở các nơi khác và các tướng lãnh Nhật vẫn còn say men chiến thắng, cảm thấy “chưa vừa lòng” nên Nhật quyết-định mở thêm những mặt trận mới. Đô-Đốc Nimitz còn biết tham-vọng của Nhật là định chiếm quần-đảo Salomon, New Ghiné, uy-hiếp Australia, chờ đợi các biến-chuyển mới để có các kế-hoạch thôn-tính khác.

V. Diễn-tiến trận Midway.

1. Các chuẩn bị ban đầu:

Khi chiến-dịch tấn-công quần đảo Marshall đang ở cao điểm thì Đô-Đốc Nimitz cũng đã chuẩn bị cho chiến-dịch Midway. Nimitz biết rằng trước sau gì Nhật cũng sẽ tấn-công Midway để làm tê-liệt Hải-quân Mỹ. Ông quan niệm rằng nếu để Nhật chiếm Midway thì hải trình phía Đông, tuyến giao-thông sinh tử của Mỹ sẽ bị cắt đứt, việc liên lạc, tiếp tế từ Mỹ đến Hawaii, Midway, Australia... sẽ chấm dứt, Mỹ không còn căn-cứ trú quân để kiểm-soát hải-trình huyết-mạch và quan-trọng, nhất là các hoạt-động của Mỹ sẽ bị Nhật biết được. Do vậy, ông đã dốc tâm nghiên-cứu chiến-lược hợp lý để áp-dụng ngỏ hầu mang lại chiến-thắng. Ông ra lệnh cho thuộc cấp theo-dõi, ghi nhận, báo cáo... mọi hoạt động của quân Nhật lên thượng cấp hay các chuyên-viên nghiên-cứu tin-tức tình báo, thám không. Các ghi nhận phải được gởi ngay “bất cứ lúc nào” đến các chuyên gia phân-tích khi họ nhận được, trong mục-tiệu tối hậu: chiến-thắng quân đội Nhật.

Về phần Đô Đốc Yamamoto, ông đã vạch ra kế hoạch để đánh chiếm Midway từ lâu. Vào tháng 4-1942, Yamamoto đưa kế-hoạch tác-chiến của mình trình lên thượng cấp nhưng bị bác-bỏ. Thế nhưng sau khi Tokyo bị 13 oanh-tạc cơ Mỹ bỏ bom, Bộ Tham-mưu Nhật bèn chấp-thuận kế-hoạch mà Yamamoto đệ trình trước đó. Hội đồng quân lực Nhật đưa ra mệnh-lệnh thứ 18 mang tên “Tác-chiến Mihao”: tấn công Midway.

Thời-gian đó, phía Nhật rất bận rộn, với nhiều chuẩn bị trên nhiều chiến-trường các nơi, các mật lệnh, điện báo được gởi đi, nhận được liên-tục. Trong những mật mã Nhật chuyển đi mà Mỹ bắt được, Nhật dùng nhiều lần ám hiệu “AF” (3). Hai chữ nầy được các sĩ-quan tình-báo Mỹ tại “đơn vị Mật mã” có tên Hypo của Nimitz tại Trân Châu Cảng nghiên-cứu và dự đoán nó ám chỉ đảo Midway. Ban đầu, Jasper Holmes, một sĩ quan Hải quân trẻ, đưa ra một mưu kế cho ban giải mã Hypo để có thể xác định chính xác vị trí của AF mà Nhật thường dùng: bằng cách sử dụng dây cáp ngầm dưới biển, Holmes yêu cầu các chỉ huy căn cứ Midway gửi qua radio một tin nhắn về tổng hành dinh Trân Châu Cảng nói rằng “nước uống đang cạn ở Midway vì nhà máy nước hỏng”. Tin này được gửi bằng kiểu mật mã thường mà họ cho rằng người Nhật đã biết cách giải mã. Ngày 10-5, sau khi dự đoán này trình lên Đô Đốc Nimitz, các sĩ quan tình báo trình bày kế-hoạch nầy và được ông chấp-thuận. Các sĩ-quan quân-báo Mỹ bèn ra “đòn nhử” địch: Trưa hôm đó, từ căn-cứ Midway, một điện tín do Mỹ phát đi với nội-dung “Nước uống đang cạn vì thiết-bị cất lọc nước bị trục-trặc”. Quân Mỹ cố tình dùng mọi cách cho quân Nhật nhận được một cách dễ-dàng điện báo nầy. Thế rồi phía Nhật đã mắc mưu, cá đã ăn câu: hai ngày sau, thám-không của Mỹ thu được một điện-báo của Nhật đã mã hóa bằng JN-25: “AF gặp phải những vấn đề về nước ngọt, lực lượng tấn công phải sắp sẵn kế hoạch về vấn đề này”. Điện báo nầy cho thấy chắc-chắn rằng “AF” là mật mã chỉ đảo Midway. Từ đó, Đô Đốc Nimitz biết rõ ý đồ của Yamamoto: “Midway trở thành mục-tiêu của Nhật”, trước sau gì Nhật cũng sẽ tấn-công Midway. Tưởng cũng cần biết thêm, OP-20-G là đơn vị mật mã riêng của Đô Đốc Ernest King, thượng cấp của Nimitz tại Washinhton DC, lại tiên đoán “AF” là quân đảo Aleut ở Alaska nhưng ĐĐ Nimitz không nghe theo mà tin vào dự đoán của đơn vị mình và ông đã đúng.

Thời gian lưu trú trên đất Mỹ và sau bao nghiên cứu về quân đội Mỹ cùng chiến trường châu Á, Yamamoto ý thức rằng muốn thắng Mỹ ở châu Á, quân Nhật phải dựa vào ưu-thế của Hải quân và Không quân với các phi-đội cảm-tử “Thần-Phong” đánh vào các hạm đội Mỹ. Theo dự định, Yamamoto cho rằng:

-“Chỉ cần tấn-công vào Midway là Mỹ phải dốc toàn bộ lực lượng để bảo-vệ nơi nầy. Và nếu như Mỹ tăng viện, Nhật sẽ dốc toàn lực để tiêu diệt lực-lượng Mỹ”.

Và nếu như vậy, chỉ cần một trận là Nhật có thể tiêu diệt hoàn toàn Hạm đội TBD của Mỹ mà hạm-đội TBD là linh-hồn của Hải-quân Mỹ.

Thật ra, Yamamoto hiểu rất nhiều về Mỹ. Ông từng theo học Đại học Harvard, từng là Tùy-viên Hải-quân của sứ-quán Nhật tại Washington DC, trong lòng ông không bao giờ quên câu nói của Thủ-Tướng Anh, Sir. Winston Churchill:

-“Nước Mỹ là một cái nồi súp-de (3) cỡ bự, chỉ cần đốt lửa ở dưới, nó sẽ sinh ra một năng-lượng khổng-lồ”.
   
Sau khi tấn-công TCC, ông đã phát-biểu một cách lo-lắng: 

-“Tôi e rằng những gì chúng ta đã làm đã đánh thức gã khổng lồ đang ngủ và làm cho hắn có những quyết định khủng khiếp” (I fear all we have done is to awaken a sleeping giant and fill him with a terrible resolved).

Tuy vậy, sau chiến-thắng TCC cũng như các chiến thắng của quân Đức tại các mặt trận Âu Châu, Phi châu..., ông ta tin rằng chỉ cần một trận Midway nữa là Hải-quân Mỹ sẽ kiệt quệ, khó có thể phục-hồi, mà nếu có phục-hồi thì cũng rất lâu. Yamamoto cho rằng khi quân Mỹ bị tổn thất nặng, chiến trường châu Á mặc sức cho quân đội Nhật tung-hoành, làm mưa làm gió.

Từ tham vọng điên rồ đó, Yamamoto quyết-định tung vào trận một lực-lương hùng-hậu chưa từng có: 8 HKMH trong đó có 4 chiếc Xích-Thành, Gia-Hạ, Phi-Long, Thương-Long (Hiryu, Kaga, Soryu, Akagi) là những HKMH nổi tiếng của Nhật, 4 khu-trục-hạm hạng nặng, 700 phi-cơ các loại, chuẩn bị một số lớn quân để tấn-công lên đảo. Ngoài ra, phần lớn quân chủ-lực của Nhật được ông ta trải dài theo hải trình nơi hạm đội Mỹ có thể đi qua. Với chiến thuật như vậy, Yamamoto quyết tâm tiêu-diệt quân Mỹ với ý chí “một mất một còn”.

Về phía Mỹ, lực-lượng ít hơn nhiều: chỉ có 3 HKMH (ngoài chiếc Enterprise (Big E) còn chiếc Yorktown bị hư hại trong trận đảo San-hô vừa mới sửa-chữa lại), 20 tuần-dương và khu-trục hạm. Về không quân, số máy bay ít hơn rất nhiều so với Nhật. Về hậu cứ thì rất xa, việc tiếp tế khó khăn, các hoạt động dễ bị Nhật phác-giác, theo-dõi. Đô-Đốc Nimitz hơn ai hết hiểu rõ thực lực của mình nên đã bàn cùng Bộ Tham Mưu những kế hoạch tác chiến phù hợp với quân tình của ông đang chỉ huy. Thêm vào đó, với lòng quyết tâm, ông không hề sợ-hãi. Trước khi vào trận, ông gởi đến thuộc cấp một công-điện với nội dung:

-“Trận nầy cho các bạn cơ-hội để giáng cho quân thù những đòn nặng-nề. Các bạn sẽ dâng lên cho Tổ-quốc chúng ta những cống-hiến to lớn”.

Ông đã chỉ thị cho ngành quân báo hoạt-động tích-cực hơn để theo-dõi địch quân, chỉ thị quân trú phòng Midway tăng cường cảnh-giác, theo-dõi mọi hoạt động quanh mình, đưa cả 3 HKMH và quân chủ-lực ẩn nấp một nơi kín đáo cách Midway hơn 200 dặm sẵn-sàng chờ xuất kích theo lệnh. Các chuyên gia quân sự không hiểu vì sao Nhật không phát giác được sự vắng mặt của các tàu chiến “chủ lực” của Mỹ, ngay cả khi tấn công TCC, số chiến hạm Mỹ ở TCC cũng không đậu tại đó như thường lệ như họ dự tính.

2. Diễn-tiến trận ác chiến Midway.

Phía Nhật, Yamamoto chỉ-định Phó Đô-Đốc Nagumo trực-tiếp chỉ-huy mặt-trận, còn ông chỉ huy tổng quát. Phó Đô-Đốc Nagumo phán-đoán tình-hình và cho biết ý định như sau:

-“Quân địch vẫn chưa biết ý đồ của chúng ta, không thấy có hạm đội Mỹ ở quanh đây. Sau khi tiêu-diệt xong căn-cứ trên đảo Midway cùng với máy bay và công-trình quân-sự trên đó, chúng ta sẽ đón đánh hạm đội tăng viện của Mỹ và sẽ tiêu-diệt nó”.

Phía Nhật cho rằng thực lực của Mỹ không đáng kể, ngay cả 3 HKMH Enterprise, Hornet và Yorktown. Hơn nữa, bị tập kích bất ngờ lúc rạng sáng, thời gian mà binh lính lơ-là hơn do mệt mỏi suốt đêm qua, quân Nhật tin chắc Mỹ sẽ bị tổn thất nặng nề, giống như họ đã tấn công TCC cũng vào lúc rạng đông. Ngoài ra, trong những ngày trước ngày Nhật dự định tấn-công, Nhật không thấy 3 HKMH của Mỹ ở gần Midway. Thật ra, cùng với 3 HKMH vừa kể, Đô-Đốc Nimitz còn có 76 chiến hạm thiện chiến trong tay, một lực lượng hùng hậu hơn phía Nhật lầm tưởng, nhất là tinh thần quyết chiến của quan, quân Mỹ.

Lúc 3 giờ sáng ngày 4-6-1942, theo lệnh của Phó Đô Đốc Chuichi Nagumo, 108 máy bay Nhật cất cánh từ một HKMH trong tiếng hoan-hô vang trời, lao về hướng Midway cách nó 240 miles (386 km). Thế nhưng quân Nhật không biết một điều là Nhật đã bị Mỹ giám-sát chặt-chẽ từ lâu, mọi động tĩnh của Nhật đều không qua mắt được quân-đội Mỹ. Khi phi-cơ Nhật cất cánh, phía Mỹ đã biết ngay mà Nhật thì tin là Mỹ không biết. Phía Nhật hoàn toàn bất ngờ khi phi-cơ Nhật chưa tới đảo thì phi-cơ trinh-sát Mỹ đã thả pháo sáng trên đảo, phi-cơ Mỹ dưới đất cất đã chẩun bị sẵn, cánh đón đánh, cùng với mạng lưới phòng-thủ bằng súng cao-xạ trên đảo nhả đạn vào phi-cơ Nhật đang lao đến do được hỏa châu soi sáng.

-“Đợt không kích đầu tiên của Nhật vào Midway hoàn-toàn bị quân Mỹ bẽ gãy”, theo báo-cáo của sĩ-quan chỉ-huy Nhật. Đợt nầy, lực lượng tấn-công của Nhật gần như bị tiêu-diệt hoàn toàn.

Tuy thế, các nhà chỉ huy Nhật không từ bỏ ý định, họ bèn chuyển qua kế-hoạch khác. Đến 7 giờ sáng, theo lệnh Nagumo, các phi-cơ Nhật có nhiệm-vụ tuần phòng quanh bầu trời mà các HKMH Nhật đang chạy để chống tàu Mỹ phải đảm nhận tiến-hành đợt không kích thứ nhì. Các máy bay tuần phòng nầy được lệnh Tướng Nagumo trở về các HKMH, phải tháo bỏ ngư-lôi đang mang trên phi-cơ, đeo bom vào để cùng với các phóng-pháo-cơ còn lại khác tấn công vào Midway. Đến 8 giờ sáng, phi-cơ trinh-sát Nhật phát-giác hạm đội Mỹ chỉ còn cách hạm-đội Nhật có 200 hải-lý. Phát-giác nầy làm cho Tướng Nagumo bối-rối vì ông nhận biết rằng mọi dự định trước đó của ông là sai lầm. Do vậy, đến 8 giờ 30, ông ta lại ra quyết định mới:

-“Rút hết các máy bay đang bay đi tấn-công Midway trở về HKMH, trút bỏ bom ra và đeo ngư-lôi vào để tấn-công các HKMH Mỹ”.

Đến lúc nầy, các nhân-viên trên các HKMH Nhật hoàn toàn mệt-mỏi do đã làm việc quá nhiều. Lúc 9:18 sáng, các phi-cơ Nhật đã trở về đủ trên các HKMH trong khi hạm đội Nhật trực chỉ về phía hạm đội Mỹ. Hai phút sau, 15 phóng ngư lôi tuần tiểu cơ của Mỹ phát giác các HKMH Nhật. Thế là từ xa, các phóng ngư lôi cơ nầy lao vào các HKMH Nhật. Cùng lúc đó, nghe tin HKMH Nhật có mặt, 30 máy bay phóng pháo Mỹ cũng nhảy vào cuộc chiến. Các phi-công Mỹ đã anh-dũng chiến đấu đến độ sau khi tan trận, chỉ còn 6 chiếc sống sót trở về căn-cứ.

Trong khi Nhật dốc toàn lực để đối-phó với các tuần-tiểu-cơ của Mỹ thì các oanh-tạc-cơ của Mỹ trên hai HKMH đồng loạt cất cánh, nhắm vào các HKMH Nhật. Phía Nhật thì không hề hay biết điều nầy vì trước đó họ không biết các HKMH Mỹ ở đâu nên không biết các phi-cơ Mỹ đang xuất-kích. Hơn nữa, họ không có kế-hoạch trước để đối-phó với nguy-cơ bị quân Mỹ tấn-công. Ngoài các phi-cơ trên HKMH ra, các phi-cơ Mỹ từ căn cứ Midway cũng được huy-động để tiêu-diệt các HKMH Nhật.

Khi chiếc phi-cơ Nhật đầu tiên cất cánh cho đợt dự định tấn-công mới thì họ thấy phóng pháo-cơ Mỹ đang nhắm vào hạm đội Nhật lao tới. Trên không trung, từng đoàn, từng đoàn phi-cơ Mỹ như đám mây đen che kín bầu trời nhắm vào mục-tiêu là 4 HKMH Nhật. Phía Nhật hoàn-toàn bị động. Các phi-cơ Nhật bị tấn-công ngay từ đầu, từ các chiếc đã cất cánh đến những chiếc chưa kịp cất cánh, không có hành động kháng cự nào trước tinh thần quyết chiến của các phi công Mỹ.

Ngoài ra, các chỉ huy Hải quân Nhật đã phạm phải một sai lầm vô cùng to lớn, vô phương cứu-vãn, cũng chính sai lầm nầy đã chôn vùi họ. Vì lệnh thay đổi liên tục và gấp rút, binh sĩ làm việc nhiều nên quá mệt-mỏi, vì vậy, số bom và ngư lôi mà họ gỡ ra trước đó quá nhiều, đã không đưa xuống hầm tàu kịp mà chất thành đống trên sàn tàu hay cạnh các hầm chứa máy bay. Tai-nạn đến với họ khi bị các phi-cơ Mỹ bỏ bom vào các HKMH Nhật, số bom đạn chất thành đống này là lò thuốc nổ khổng lồ bị kích hỏa và nổ tung. Sau vài giờ, các chiếc HKMH Nhật đã từng là niềm tự-hào của Hải-quân Nhật vỡ tung, vĩnh-viễn đi vào lòng đại-dương tức khắc, mang theo tất cả quân trang quân dụng, quan quân trên nó cùng với lòng kiêu-hãnh của họ mà không kịp hô “Thiên-Hoàng Vạn tuế!” như họ từng làm. Trong khi trên các HKMH Nhật phải lo đối phó với hỏa hoạn, tổn thất do bom và ngư lôi của họ nổ tung, các phi cơ Mỹ tha hồ trút bom, bắn phá các HKMH và chiến hạm hộ tống mà không gặp kháng cự nào. Ngoài ra, bộ quân của Nhật được rải dài để “đợi tiêu diệt quân Mỹ tăng viện” cũng bị oanh tạc nặng nề.

3. Tổn thất hai phía.

Trận chiến Midway có ý-nghĩa lịch-sử nầy đã kết-thúc vào ngày 7-6-1942. Phía Mỹ thiệt hại 150 máy bay, 307 quân-nhân thiệt mạng, 1 khu-trục hạm bì đánh chìm, HKMH Yorktown bị tàu ngầm Nhật đánh chìm không lâu sau cuộc hỗn chiến nầy trong lúc được trục vớt vào ngày 7 tháng 6. Về phía Nhật, sự thiệt hại to lớn hơn nhiều: Ngoài việc 4 HKMH hàng đầu của Nhật là Akagi, Kaga, Soryu và Hiryu, 12 tuần-dương hạm, 253 máy bay cùng 3.500 sĩ-quan và binh-sĩ trên đó đã tan thây, trận Midway còn xóa bỏ huyền thoại của quân-đội Nhật là “đoàn quân bách chiến”, đã gióng lên “tiếng chuông báo tử” trên chiến-trường vùng TBD của quân-đội Nhật.

Ta hãy nghe các lời bình-luận về trận Midway của các “ông lớn”.

Thủ-Tướng Anh Churchill phát biểu:

-“Trận hải chiến Midway đã làm xoay chuyển ưu-thế quân Nhật ở TBD, là bước ngoặc khiến cho thời oanh-liệt xưa của địch quân không bao giờ trở lại được nữa”.

Tư-lệnh chiến-trường, Đô Đốc Nimitz khiêm nhường hơn:

-“Trận chiến đảo Midway, những tổn-thất mà quân Nhật phải gánh chịu còn nặng nề gấp 10 lần nỗi nhục mà quân Mỹ phải chịu đựng ở TCC”.

Còn Đô-Đốc Yamamoto, sau khi kết-thúc trận chiến cũng phải mở miệng:

-“Tôi phải tạ tội với Thiên-Hoàng!”.
    
Một sĩ-quan thuộc cấp của Nimitz tham dự trận chiến nói:

-“Thắng lợi nầy là công lao của Tư-Lệnh Nimitz nhờ sự mạnh-dạn, quyết-đoán, thông-minh và thiên-tài chỉ-huy của ông”.

4. Ảnh hưởng của cuộc chiến

Để đánh giá một cuộc chiến, đòi hỏi phải phân tích thật tỉ mỉ vì còn liên quan đến cả chiến lược. Theo như phần đầu đã nói, “trận Midway là trận chiến quyết định cho chiến trường Thái Bình Dương” tuy rằng Hoa Kỳ chưa thể thắng Nhật vào lúc trận chiến Midway kết thúc. Dẫu vậy, Hoa Kỳ đã “chiếm thế thượng phong”: từ trạng thái tổn thất (sau tổn thất tại Trân Châu Cảng) sang trạng thái cân bằng và sau đó không lâu chiếm thế thượng phong, gây thiệt hại nặng cho lực lượng Nhật khiến không thể hồi phục lại được, rút ngắn chiến tranh Thái Bình Dương, tuy rằng Hải quân Nhật còn gan lì tiếp tục chiến đấu một thời gian nữa. Nhận ra sự bất ổn của Nhật nên chỉ 2 tháng sau trận Midway, Mỹ tấn công Guadalcanal. Nếu không có thắng lợi ở Midway, người Mỹ không thể sớm tấn công như thế hoặc có thì cũng không thành công như họ đã đạt được ở trận Guadalcanal, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng đến tiến trình chiến tranh, cùng với việc lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương đã làm nền kinh tế Nhật đi đến chỗ đình trệ vào tháng 1-1945.

Việc Mỹ loại 4 hàng không mẫu hạm của Nhật ra ngoài vòng chiến là một tổn thất không thể thay thế được, Nhật đã không thể bổ sung đủ 4 chiếc khác mãi cho đến đầu năm 1945. Trong thời gian đó, Hải quân Hoa Kỳ đã cho vào phục vụ hàng chục mẫu hạm lớn nhỏ và vô số mẫu hạm hộ tống. Như vậy, trận Midway đã gây thiệt hại lâu dài cho Hải quân Nhật và rút ngắn thời gian mà hải quân Nhật có thể chiến đấu trong những điều kiện có lợi. Đây là một tai họa cho Đế quốc Nhật khi họ muốn tiến hành những chiến dịch quy mô hơn để chống lại Hoa Kỳ.

Trận Midway là một đòn chí tử đánh vào quân Nhật. Chương trình huấn luyện phi công của Nhật trước chiến tranh đào tạo ra các phi công với phẩm chất rất cao nhưng với số lượng ít. Tại Midway, Nhật mất rất nhiều các phi công thiện chiến chỉ trong một ngày mà chương trình huấn luyện đào tạo trong một năm. Trong các trận chiến sau này (trận Guadalcanal vào 1942: các trận Đông Solomons, Santa Cruz) không quân của Hải quân Nhật không gượng dậy được bởi bị tiêu hao. Các nhà hoạch định chiến lược của Nhật đã dự đoán sai lầm trong một cuộc chiến tranh lâu dài và liên tục. Nhật đã không bổ sung cho những thiệt hại về tàu bè, phi công, thủy thủ, binh lính, súng đạn, trang thiết bị v.v... Mặt khác, sự mất cân đối này trở nên tồi tệ hơn khi các máy bay chiến đấu thế hệ sau của Hoa Kỳ tỏ rõ ưu việt trước máy bay của Nhật. Đến giữa năm 1943, sau thiệt hại ở Midway và quần đảo Solomons đã làm kiệt quệ lực lượng không quân của hạm đội Nhật. Tệ hơn nữa, Nhật vẫn giữ các phi công điêu luyện ở lại chiến đấu, làm suy yếu năng lực huấn luyện đội ngũ phi công mới, trái lại, Hải quân Mỹ cho các phi công xuất sắc của họ trở về huấn luyện để dạy lại cho quân nhân mới về các kỹ năng trong chiến đấu.

Ảnh hưởng của trận Midway cũng được đánh giá bằng nghiên cứu ngược lại: giả sử các chiến hạm của Hoa Kỳ bị tiêu diệt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nếu như vậy, sự bại trận của Hoa Kỳ tại Midway đã có thể kéo dài cuộc chiến tại Thái Bình Dương, làm chậm sự khởi đầu của chiến cuộc hao mòn toàn diện. Nếu như vậy, với chỉ 2 hàng không mẫu hạm còn khả năng chiến đấu (chiếc Saratoga và Wasp), Mỹ buộc phải ở thế phòng ngự chiến lược cho đến cuối năm 1942. Khi đó, quân Nhật có thể tiếp tục tiến đến New Hebrides (sát Australia), cắt đứt liên hệ của Hoa Kỳ với Australia, đồng thời hoàn tất việc xâm chiếm New Guinea, khống chế hải trình từ Mỹ đi Đông Á, Úc châu. Một thất bại nặng nề ở Midway có thể dẫn đến việc cách chức những tướng lĩnh tài giỏi và quan trọng như Nimitz và Spruance. Các chiến dịch tấn công trên Thái Bình Dương sẽ bị trì hoãn đến cuối năm 1943, khi các mẫu hạm thế hệ Essex và Independence có mặt với số lượng thích đáng. Đây là những thất bại vô cùng to lớn cho Mỹ và đồng minh sau nầy. Cũng giả thiết như thế, nếu Hoa Kỳ thua trận, các cuộc hành quân đổ bộ Bắc Phi, Địa Trung Hải, Normandy chưa chắc đã xảy ra và nếu có cũng chưa chắc sớm như thực tế đã xảy ra.

Tuy nhiên, theo nhiều nhận định, dù Hoa Kỳ thua trận Midway đi chăng nữa, cuối cùng thì Nhật vẫn sẽ thua Hoa Kỳ trên mặt trận Thái Bình Dương khi so sánh tương quan về tiềm lực quân sự, kinh tế, quân số và kỹ năng chiến đấu của 2 quân lực.

4. Cái chết của Yamamoto:

Trước đó, trong chiến-tranh, một quy luật tuy không có văn bản chính-thức nhưng thường được các nước thi-hành là không được ám-sát cấp chỉ-huy đối phương. Thế nhưng trong thế-chiến thứ hai thì khác hẵn. Thủ-Tướng Anh Winston Churchill, các Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt, Dwight David Eisenhower đều đã từng bị uy-hiếp mạng sống bởi đối phương. Vì thế, Đô-Đốc Nimitz quyết-định: “Hạ sát Đô Đốc Yamamoto là việc phải làm”. Ông nói:

-“Trong những ngày một mất một còn như thế nầy, không còn đạo-nghĩa, luật-lệ gì để nói nữa. Chính Nhật đã đầu tiên vi phạm quy-định chiến-tranh. Dù là tướng lãnh hay binh sĩ, đều là mục tiêu của họ hạ sát hợp pháp”.

Chiều ngày 14-4-1943, tổ mật mã tình-báo quân đội Mỹ bắt được một bức điện mật mã cao-cấp của Nhật đánh đi theo “kiểu số” (4), được Nhật gọi là “điện mật mã màu tím”, có độ mật cao. Sau 2 ngày 2 đêm nghiên-cứu, các chuyên-viên quân-sự Mỹ biết được nội dung bức điện, nói về thời gian và địa-điểm thị-sát các đơn-vị Nhật của Đô-ĐốcYamamoto:

-“Tướng quân  “GF” (tức Yamamoto), 8 giờ sáng ngày 18-4 sẽ dùng 2 phi-cơ công kích Lục quân với 6 phi-cơ chiến-đấu hộ-tống, từ Rabaul (5) đi thị sát Ballali và quần đảo Bougainville. Phi-đội sẽ hạ cánh xuống Ballali lúc 9:45 phút sáng.

Mãi đến hiện nay, người ta vẫn chưa hiểu tại sao người Nhật làm như vậy. Trong thời chiến mà tiết lộ tỉ-mỉ lộ trình của thượng cấp như vậy là điều không nên làm. Có người cho là “Nhật chủ-quan rằng mật mã của họ khó bị giải mã được”. Người khác cho là “Nhật cho rằng Mỹ bị họ giám-sát mọi hoạt-động nên chủ quan, khinh địch”.

Bản mã được đệ trình lên Đô-Đốc Nimitz. Sáng sớm ngày 15-4-1942, Thiếu-Tá tình-báo Edwin Layton mang mật điện đến văn-phòng của Nimitz. Sau khi trình mật điện, ông nói:

-Thưa Tư-Lệnh, có tin về “ông bạn của chúng ta” rồi!!.

Sau khi xem xong mật điện, Nimitz hỏi:

-“Anh thấy nên làm thế nào? Có nên hạ sát không?”.

Edwin Layton thưa:

-“Ngài hiểu rõ tâm-lý người Nhật, ngoài Nhật Hoàng ra thì Yamamoto là thần tượng của họ. Nếu trừ khử được Yamamoto thì ít nhất cũng làm sa sút tinh thần của Hải quân Nhật và sẽ làm cho cả nước Nhật bối rối”.

Nimitz hỏi lại:

-“Tôi muốn biết là họ có thể đưa ra một Yamamoto khác không?”.

Edwin Layton cười:

-“Thưa Tư-Lệnh, điều đó cũng giống như thí dụ Ngài bị họ hạ sát thì làm sao có thể tìm được ngài Nimitz thứ nhì”?.

Nimitz cũng cười theo:

-“Chúng ta thử xem!”.

Quyết-định hạ sát Yamamoto được gởi về Tòa Bạch-Ốc lúc 11 giờ trưa ngày 17-4-1942. Tổng thống Roosevelt - úc đó có mặt của Bộ trưởng Knox - đang tại bàn ăn, ra quyết-định:

-“Ra lệnh bắn hạ máy bay Yamamoto!”.

Quyết định được gởi đến cho Đô-Đốc Nimitz. Trong cuộc họp phân chia trách nhiệm tại Guadalcanal do Đô-Đốc Mitscher chủ trì, Thiếu Tá John Mitchell thuộc phi-đội 339 của Phi-đoàn 13 thuộc Lục-quân Mỹ được chỉ định đảm-trách công-tác nầy. Được biết, chỉ có máy bay Lockheed P-38 Lightning là loại phi-cơ có mặt tại vùng đó mới có thể bay đến Bougainville (cách xa 425 miles) và bay trở về. Nếu khi đó có phi-cơ của Hải quân hay TQLC, có lẽ Nimitz đã giao cho họ nhiệm vụ nầy rồi. P-38 là loại phi-cơ có 2 động cơ, thân đôi, trang-bị 4 súng đại liên 50 và 1 đại bác 20 ly.

Ngày 18-4-1943, theo kế-hoạch, Yamamoto sẽ đến Ballale và Buin thuộc quần-đảo Bougainville ở Nam Thái Bình Dương, gần Papua New Guinea để thị-sát quân đội Nhật đang đồn trú. Yamamoto đi trên chiếc phi-cơ Mitsubishi G4M (người Mỹ gọi là Betty). Đô-Đốc Nimitz phái 18 chiếc P-38 cất cánh từ căn-cứ Henderson, Guadalcanal “phục-kích” (ambush) Yamamoto trên không-trung với nghiêm lệnh:

-“Bằng mọi giá, phải triệt hạ phi cơ chở Yamamoto” (destroy Yamamoto's aircraft “at all costs”).

Trong đoàn Yamamoto đi thị-sát, có 3 chiếc Mitsubishi G4M “Betty” được 6 phi-cơ chiến-đấu (người Mỹ gọi là Zero) hộ-tống.

John Mitchell phân chia thành 2 nhóm, nhóm 4 phi-cơ gọi là “killer section” gồm có Đại-úy Tom Lanphier (là trưởng toán), Đại-úy Rex Barber, Đại-úy Joe Moore và Đại-úy Jim McLanahan có nhiệm-vụ triệt-hạ phi-cơ chở Yamamoto, 14 chiếc còn lại bay hộ-tống và bảo-vệ cho 4 chiếc trên. Tất cả phải giữ im-lặng vô-tuyến.Các phicông nầy rất can-đảm vì biết rằng có thể họ bị hơn 80 máy bay Nhật đang ở Bougainville tấn công trong nhiệm vụ bảo-vệ cho Yamamoto, 18 chiếc phải đối mặt với 80 chiếc.

Thiếu Tá John Mitchell dẫn một tốp phi-cơ bay ở cao độ 6.000 mét để dụ địch, tốp kia ở tầm thấp để “săn mồi”. Thấy máy bay Mỹ ở trên cao, phi-cơ Nhật vội lao đến, trúng vào kế “dụ địch” của phi-công Mỹ: 6 phi-cơ Nhật lao vào đội hình của J. Mitchell. Đến lúc đó, 4 phi-cơ Mỹ vội tăng tốc-độ, đang bay dưới thấp bèn vọt lên cao, bất ngờ đón đánh phi-cơ chở Yamamoto. Chiếc phi-cơ chở Yamamoto trúng đạn, biến thành quả cầu lửa, rơi xuống vùng rừng gần Kahili ở Bougainville thuộc quần đảo Salomon ngay từ đợt tấn-công đầu. Ông bị đạn bắn trúng đầu và chết ngay sau đó. Chiếc kia chở Trung Tướng Tham Mưu Trưởng Hạm đội Nhật của Yamamoto cũng bị Tom Lanphier bắn rơi, ngoài ra, còn có thêm 3 chiếc nữa bị bắn hạ. Trận chiến xảy ra chỉ trong 2 phút 47 giây ngắn-ngủi.

Lúc đó, phía Mỹ cũng chưa dám chắc là Yamamoto bị giết. Ba hôm sau, nhận được tin tro hài cốt của Yamamoto được chiếc chiến hạm Vũ-Tàng chở về Nhật, khi đó phía Mỹ mới dám chắc Yamamoto đã bị hạ. Đêm hôm đó, đài phát thanh Tokyo, bằng một giọng trầm buồn, xướng ngôn viên tuyên-bố trên làn sóng phát-thanh:

-“Đô Đốc Yamamoto khi đang làm nhiêm vụ chỉ huy chiến lược ở mặt trận thì gặp máy bay địch và đã anh-dũng hy-sinh một cách vẻ-vang”.

Người bắn hạ Yamamoto là Đại-Úy Rex T. Barber, cư dân Terrebonne, Oregon, thuộc Phi-đội chiến-đấu 339. Sau khi không ngừng bắn vào chiếc phi-cơ chở Yamamoto cho đến khi nó rơi hẵn xuống đất, Đại Úy Rex T. Barber quay trở lại phụ với đồng đội để hạ các phi-cơ Nhật còn lại trong đoàn của Nhật trong khi ông phải chống lại các phi-cơ Zero hộ-tống của Nhật tấn công. Trở về căn cứ, người ta thấy phi-cơ ông bị 104 vết đạn từ phi-cơ Nhật bắn. Sau khi về hưu từ Không quân Mỹ năm 1961 với cấp bậc Đại Tá, ông là một chức sắc trong nhà thờ, rồi đắc-cử chức Thị trưởng của thành phố quê nhà, Culver, Oregon. Ông mất ngày 26-7-2001, thọ 84 tuổi tại Terrebonne, tiểu-bang Oregon.
    
Mãi đến ngày 13-6-1975, ông Kenji Yanagiya, phi-công Nhật cuối cùng, người sống sót trong trận phục kích Yamamoto hôm đó kể lại sự việc ông chứng kiến trong một cuốn băng. Ông kể rằng các chiếc P-38 từ phía sau bên phải các chiếc Betty's bay tới và bắn rơi chiếc phi-cơ chở Yamamoto. Tài liệu này hiện đang được lưu giữ trong Bảo tàng viện Đô-Đốc Nimitz tại Fredericksburg, Texas.

Đô-Đốc Mineichi Koga, người kế nhiệm trong chức vụ của ông Yamamoto đã phát biểu:

-“Chỉ có một Yamamoto và không có ai có thể thay thế ông ta”.

Sau trận Midway, quân đội Mỹ lấy lại tinh thần chiến đấu, chuẩn bị các trận đánh mới để giải tỏa áp-lực của Nhật và dần dần chiếm lại các vùng đất đã rơi vào tay quân Nhật trước đó. Trong những thời gian sau trận Midway, quân đội Nhật dần đi vào từ thất bại nầy đến thảm bại nọ để rồi cuối cùng phải đầu hàng vô điều kiện sau khi hai quả bom nguyên-tử Mỹ thả xuống Quảng Đảo (Hirosima) và Trường Kỳ (Nagasaki).

5. Hàng Không mẫu hạm USS Midway CVB-41.

Để kỷ-niệm chiến-thắng mang tính lịch-sử nầy, Bộ Quốc-phòng Mỹ đã đặt tên cho một HKMH mang tên USS Midway CVB-41 cũng như lấy tên Đô-Đốc Nimitz đặt cho chiếc USS Nimitz CVN 68. Được đóng tại Công-ty đóng tàu Newport News Shipbuilding ở Newport News, Virginia, khởi công ngày 27-10-1943, hạ thủy ngày 20 tháng 3 năm 1945, bà Bradford William Ripley, Jr. là mẹ đỡ-đầu, USS Midway CVB-41 ra khơi nhận nhiệm-vụ vào ngày 10-9-1945, hậu cứ ở Norfolk, Virginia.

Sau khi vào vùng biển Caribbean, USS Midway CVB-41 tham dự chương trình huấn luyện cùng Hạm đội Đại-Tây-Dương. Đến tháng 9 năm 1947, USS Midway phóng thí-nghiệm hỏa-tiễn German V-2, là lần phóng thí-nghiệm hỏa tiễn đầu tiên trên dàn phóng di-động. Đến ngày 29-10-1947, USS Midway CVB-41 gia-nhập vào Hạm đội 6, hoạt-động vùng Địa-Trung-hải. Ngày 6-2-1955, USS Midway CVB-41 gia-nhập Hạm Đội 7 hoạt-động vùng Tây TBD đến 28-6-1955. Vào ngày 8-12-1958, USS Midway lần đầu tiên phóng hỏa-tiễn không-đối-không Sparrow 3. HKMH Midway trở lại Viễn Đông vào 6-3-1965, xuất phát các phi vụ yểm trợ miền Nam Việt Nam đánh quân Bắc Việt xâm lăng, yểm trợ quân-đội Mỹ đang tham chiến tại chiến trường miền Nam.

Vào ngày 17-6-1965, khi hộ tống các phóng pháo cơ tấn công Yên-Phụ, Bắc Việt, Trung-Tá Louis C. Page và Đại-Úy Jack E. D. Batson, bay chiếc F 4B Phantom VF-21 cất cánh từ HKMH Midway đón đánh 4 chiếc Mig-17 của Bắc Việt, mỗi người bắn hạ một Mig, chiến thắng đầu tiên trên vòm trời Bắc Việt của quân lực Mỹ. Trở về Alameda trong vùng Vịnh San Francisco ngày 23-11-1965 để tân trang, USS Midway trở lại chiến-trường Việt Nam vào 18-5-1971. Các phi-cơ trên HKMH Midway, cùng với phi-cơ trên các HKMH USS Coral Sea (CV-43), USS Kitty Hawk (CV-63), USS Constellation (CV-64) đã oanh-tạc Bắc Việt từ Thanh-Hóa, Đồng Hới, Vinh đến Hòn Gai, Quảng Khê, Cẩm-Phả, Hải Phòng mãi đến cuối mùa Hè 1972. Ngày 5-10-1973. HKMH Midway sang Yokosuka, Japan. Ngày 19-4-1975, HKMH Midway, cùng với USS Coral Sea, USS Hancock, USS Enterprise, USS Okinawa trực chỉ gần bờ Việt Nam trong cuộc triệt thoái khỏi miền Trung của QL.VNCH để yểm trợ theo thượng lệnh, khi cần. Trong ngày chúng ta mất nước 30-4-1975, một số phi cơ của Không quân VNCH đáp xuống HKMH Midway để di tản tìm tự-do.

Lúc 9PM ET ngày 16-1-1991, trên chiếc USS Midway, Tổng-thống George H.W. Bush đọc diễn văn cùng quốc dân Mỹ thông báo cuộc chiến giải-phóng Kuwait khỏi ách xâm lăng của Iraq bắt đầu. Sau đó, Hải quân Mỹ phóng 228 hỏa tiễn từ USS Midway và USS Ranger CV-61 vào trận địa khai diễn cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh I với chiến dịch mang tên “Bão tố sa-mạc”. Thêm vào đó, hơn 100 hỏa tiễn Tomahawk được phóng đi yểm trợ cho cuộc chiến để đến lúc 9PM ET ngày 27-2-1991, Tổng-Thống Bush tuyên-bố Kuwait được tự-do, cuộc chiến chấm dứt với chiến thắng thuộc về Liên-quân vào nửa đêm hôm đó.

Sau 47 năm phục-vụ tổ-quốc, hơn 200.000 chiến-sĩ phục vụ trên tàu, tham dự nhiều chiến dịch hành quân quan trọng, USS Midway trở về North Island Naval Air Station ở San Diego vào ngày 11-4-1992. Trong thời gian phục vụ, USS Midway nhận được các huy-chương cao quý sau đây: Presidential Unit Citation, Navy Unit Commendation, U.S. Navy & Marine Corps Expeditionary Medal; Navy Occupation Service Medal; China Service Expeditionary Medal and Vietnam Service Medal. Tên của USS Midway CVB-41 được dời khỏi danh sách của Hải-quân Mỹ vào ngày 17-3-1997 và được lưu giữ tại Navy Inactive Ship Maintenance Facility, ở Bremerton, tiểu-bang Washington, được dùng như một bảo-tàng lịch-sử.

Lê Chánh Thiêm
California, 2004

Ghi chú:

(1) Cấp Tướng của Mỹ được mang 5 sao trong thời chiến ở các chức vụ cao để chỉ-huy (các tướng 4 sao khác). Trong Lục và Không quân gọi là General of the Army/ Air Force (Thống Tướng), trong Hải quân gọi là Fleet Admiral (Thủy Sư Đô Đốc). Khi chiến cuộc chấm dứt, họ trở về mang lại 4 sao.

(2) USS Hornet: Chiếc HKMH mang tên Hornet nói trong bài nầy là chiếc USS Hornet 2. Chiếc USS Hornet 1 (1805-1829) là chiếc CV-8, được võ trang tháng 10-1805 tại Baltimore, Maryland. Trong trận chiến ở Santa Cruz, khi rời Tampico, Mexico vào 29-9-1829, chiếc Hornet bị gãy cốt buồm chính trong một trận bão và bị chìm, mang theo trọn vẹn thủy thủ đoàn. Đến tháng 10-1942, Hải-quân Mỹ đổi tên chiếc CV-12, trọng tải 27.100 tấn, dài 872 feet, vận-tốc 33 hải-lý/giờ thành tên USS Hornet. USS Hornet do Newport News Shipbuilding & Dry Dock Co., ở Newport News, Virginia đóng. Mẹ đỡ đầu là Bà Bộ trưởng Hải quân Frank M. Knox.

(3) Khi chưa có máy chạy bằng động cơ Diesel (dầu cặn), người ta dùng máy chạy bằng hơi nước. Người ta chế tạo một nồi kín, thật lớn, nấu nước sôi lên trong nồi, nước sôi tạo nên một áp-suất để tạo ra công năng, qua một then chuyền làm chuyển-động máy.

(4) Mật mã số có tên là Japanese Navy-25 Code (JN-25). Đây là kiểu mật-mã mà Nhật cho là kín-đáo nhất (most secret), JN-25 có khoảng 33.000 câu, chữ và số, được chia thành nhóm 5 số, có sẵn trong code book (bản mật mã). Ví dụ:

97850  =  SUBMARINE
38659  =  TOMORROW
45261  =  AUSTRALIA
29640  =  RECONNAISSANCE
24713  =  URGENT

ghép lại thành câu:  URGENT SUBMARINE RECONNAISSANCE AUSTRALIA TOMORROW
viết thành code như sau:  24713  97850  29640  45261  38659.
 
Các chữ không có trong code book, dùng số cho các mẫu tự Nhật. Căn-cứ vào “sách ám-hiệu” (cipher book), người ta tra cứu theo trang, cột, dòng... rồi thay đổi theo code để viết thành nhóm 5 số, ghép lại thành văn bản.

(5) là tổng hành dinh của Yamamoto.

(*) Imperial Japanese Navy.
Japanese Navy= tiếng Nhật: Nihon Kaigun.
Imperial Navy=tiếng Nhật: Teikoku Kaigun.

Tài liệu tham khảo:

- US Navy.
- WW II.
- Imperial Japanese Navy.
- Office of Naval Research.
- Navy Newsstand.
- History of US Navy.
- Tài liệu tổng hợp.

*    *    *